Quảng Trị, có gì vui, có gì hay?
- Thịnh La
- Jul 11, 2022
- 3 min read
Đó là câu hỏi mình nhận được nhiều nhất trước khi lên đường.
Quảng Trị là một phần của Bình-Trị-Thiên trước đây, bây giờ tách ra thành Quảng Bình, Quảng Trị, và Thừa Thiên-Huế. Nhưng nếu như Huế có cả một quần thể cố đô quý như vàng, Quảng Bình có một hệ thống hang động tự nhiên thuộc hàng đỉnh của chóp, thì Quảng Trị, chỉ là… một địa danh bị bỏ quên trong sách lịch sử.
Về địa lý, Trị nằm giữa Bình và Thiên. Quảng Trị không có sân bay, từ Sài Gòn, bạn phải bay ra sân bay Phú Bài (Huế) hoặc sân bay Đồng Hới (Quảng Bình), rồi di chuyển tới Quảng Trị.
Về lịch sử, nói một cách dễ nhớ, Quảng Trị vừa là nơi vua Gia Long xây thành, vừa là nơi có Vĩ Tuyến 17 chia cắt hai bờ Nam Bắc trước 1975. Do đó, lịch sử Quảng Trị dài và sâu, bao gồm cả những lần dời đô và những trận chiến thảm khốc và tan tác nhất.
Quay lại với câu hỏi ở trên, Quảng Trị có gì mà đi. Câu trả lời là có. Không nhiều, nhưng chỗ nào cũng chất.
Thánh địa La Vang. Chỗ này không cần phải giới thiệu thêm. Đây là đất Thánh, đất thiêng. Vừa có giá trị tôn giáo (vì theo lời kể đây là nơi Mẹ Maria hiện ra), vừa có giá trị lịch sử (ngôi nhà thờ cổ ở khu này sau đó bị bom đạn phá nát chỉ còn sót lại mỗi tháp chuông).
Trường Bồ Đề. Đây là chứng tích rõ ràng và khủng khiếp của những ngày Mùa hè đỏ lửa 1972. (“Mùa hè đỏ lửa” là trận đánh khốc liệt và mất mát nhất giữa quân Giải Phóng và quân miền Nam). Khi tới đây, mình nổi da gà và lạnh sống lưng khi nhìn thấy những lỗ bom đạn chằng chịt trên tường và sàn, trong khi kết cấu và khung xương của trường vẫn còn vẹn nguyên.
Thành cổ Quảng Trị. Wikipedia gọi đây là “nghĩa trang không nấm mồ”. Sau 81 ngày hứng chịu những trận mưa bom của Mùa Hè đỏ lửa 1972, toàn bộ khu vực thành cổ chỉ còn là sỏi và đá. Giờ đây, nơi này được phục dựng trở thành khu di tích lịch sử.
Nơi cuối cùng mình ghé thăm là Khe Sanh, một địa danh ít người biết. Khe Sanh chỉ là một khu vực nhỏ thuộc địa phận biên giới Việt Lào. Địa danh Khe Sanh được cả thế giới biết đến qua trận đánh Khe Sanh năm 1968 và được ví như “trận Điện Biên Phủ thứ hai”. Mình sẽ kể rõ hơn về Khe Sanh và những gì còn sót lại trong tập tiếp theo của A story by Thinh.
Khi ra tới Quảng Trị, mình mới nhớ giờ là bắt đầu vào hè, và cũng giật mình nhận ra năm nay là đúng 50 năm rồi kể từ những tháng ngày máy bay Mỹ bay như mây và thả bom như mưa ở đây. Đây là sự trùng hợp nằm ngoài kế hoạch của mình.
Trên đường rời khỏi Quảng Trị, giữa cái mát lạnh bình yên của những ngày tháng tư, mình đã không ngừng tự hỏi tại sao địa danh này lại bị lãng quên và rất ít được nhắc đến. Từng hàng cây, từng quả đồi, từng tấc đất ở Quảng Trị đều là đất thiêng, và thấm đẫm máu xương của đồng bào mình.
Có lẽ nào chốn nghỉ ngơi luôn là chốn yên bình nhất và không cần phải quá ồn ào náo động?

(Thịnh bên trên một lớp học đã bị chiến tranh tàn phá, ảnh chụp tại Trường Bồ Đề, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị.)
Comments